Các đơn vị y tế trong nước đang bắt tay vào nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng phương pháp truyền huyết tương chứa kháng thể chống lại vi rút SARS-CoV-2 để điều trị cho bệnh nhân nặng.
Các túi máu toàn phần sẽ được phân tách; huyết tương có màu vàng, chiếm khoảng 53 - 63% trong máu
Công Thắng
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đang tiếp tục hoàn thiện hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nhân (BN) Covid-19 (do nhiễm vi rút SARS-CoV-2), đồng thời nghiên cứu sử dụng huyết tương từ BN đã khỏi bệnh, có chứa kháng thể chống lại vi rút trong điều trị BN Covid-19.
Bộ Y tế đã giao Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư (nơi có đủ điều kiện thực hiện tách huyết tương ra khỏi các thành phần máu, tinh khiết chế phẩm) phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng hướng dẫn tiếp nhận, lưu trữ, bảo quản và vận chuyển huyết tương của người đã khỏi bệnh Covid-19. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng hướng dẫn sử dụng huyết tương tiếp nhận từ người đã được điều trị khỏi bệnh Covid-19, để điều trị cho người bệnh Covid-19 thể nặng.
Theo Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, từ dịch cúm năm 1918, huyết tương từ những người khỏi bệnh đã được sử dụng để điều trị giảm các triệu chứng và khả năng tử vong của một số bệnh lây nhiễm. Những năm gần đây, liệu pháp này cũng đã được sử dụng để điều trị cho BN mắc Ebola, SARS, cúm A/H1N1. Tuy nhiên, không phải tất cả các thử nghiệm lâm sàng đều cho những kết quả khả quan. Việc áp dụng với BN Covid-19 còn hết sức mới mẻ, cần có các tiêu chí chỉ định phù hợp.
TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, cho biết: “Huyết tương của BN Covid-19 đã khỏi bệnh có chứa kháng thể với hiệu giá cao chống lại SARS-CoV-2; khi truyền vào cơ thể BN nặng (tải lượng vi rút cao), kháng thể sẽ phát huy tác dụng, hỗ trợ diệt vi rút. Khi người tham gia hiến (tương tự hiến tiểu cầu), sẽ có máy tách lấy huyết tương. Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư hoàn toàn làm chủ công nghệ, quy trình chiết tách điều chế huyết tương, tương tự như đã sản xuất các chế phẩm máu trong nhiều năm qua”.
TS Khánh cũng lưu ý, sức khỏe của người hiến huyết tương cần có tiêu chuẩn để việc tiếp nhận, điều trị Covid-19 đạt hiệu quả. “Do đó, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đang nghiên cứu trên các BN Covid-19 đã khỏi bệnh, xác định mức độ kháng thể như thế nào, tồn tại bao lâu, khi nào kháng thể đạt mức cao nhất, cũng như khả năng kháng thể đó trung hòa vi rút đến mức độ nào khi được sử dụng điều trị”, TS Khánh cho biết.
Theo Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, một số quốc gia đã thử nghiệm điều trị BN nặng mắc Covid-19 bằng huyết tương được lấy từ người bệnh đã điều trị khỏi, bước đầu có hiệu quả. Đây là biện pháp mới cần được nghiên cứu đảm bảo chất lượng trong quá trình xử lý, bảo quản, cung cấp, đến việc chỉ định hợp lý.
Không áp dụng hàng loạt
Sử dụng huyết thanh chứa kháng thể từ BN Covid-19 đã khỏi bệnh là phương pháp hỗ trợ điều trị thêm cho BN nặng có lượng vi rút lớn. Để làm được, cần vận động người khỏi bệnh tham gia hiến huyết tương. Tuy nhiên, phương pháp này không áp dụng hàng loạt. Chỉ với BN có chỉ định, các BS mới tiếp nhận huyết tương từ người hiến, điều chế và chuyển đến đơn vị điều trị. Do đó, chúng ta không lưu trữ huyết tương này.
TS Bạch Quốc Khánh
Nguồn tin: Thanhnien.vn