Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Độ - thứ trưởng Bộ GD-ĐT - trong cuộc trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ.
Ông Độ nói: "Trong tính toán của Bộ GD-ĐT, nếu học sinh trở lại trường cuối tháng 5-2020 hoặc chậm nhất là 15-6, vẫn kịp tổ chức kỳ thi THPT quốc gia giữa tháng 8-2020".
“Nếu tháng 6-2020 học sinh trở lại trường thì dự kiến sẽ chỉ thực hiện 1-2 bài kiểm tra định kỳ với các môn học và một bài kiểm tra cuối năm học. Giai đoạn này các trường cũng tổ chức cho học sinh làm thủ tục đăng ký dự thi chuyển cấp, thi THPT quốc gia, ôn thi cho học sinh cuối cấp. Bộ GD-ĐT sẽ hướng dẫn chi tiết về việc tổ chức thi THPT quốc gia.
Ông Nguyễn Hữu Độ - thứ trưởng Bộ GD-ĐT
Đủ điều kiện chuẩn bị cho kỳ thi
* Căn cứ nào để Bộ GD-ĐT tin tưởng vào tính khả thi của kế hoạch tổ chức thi này?
- Bộ GD-ĐT vừa thực hiện tinh giản chương trình từ lớp 1 đến lớp 12 theo tinh thần bảo đảm nội dung kiến thức cơ bản, cốt lõi của mỗi môn học nhưng giảm được thời lượng, giảm áp lực cho học sinh. Học kỳ II có 18 tuần, đã học hai tuần trước tết. Sau khi tinh giản, chương trình có thể hoàn thành trong khoảng mười tuần đến thời điểm kết thúc năm học trước ngày 15-7.
Từ 25-3 đến nay, các trường đều đã triển khai dạy học qua Internet, trên truyền hình bước đầu có kết quả. Các địa phương đều có cách làm sáng tạo, khắc phục khó khăn về kỹ thuật dạy học, đường truyền, phần mềm... để thực hiện được chương trình học tập học kỳ II.
Nếu tính ngày 15-4 là mốc thời gian chính thức các trường trên cả nước tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình (một số nơi đã triển khai sớm hơn), cộng với thời gian dạy học trực tiếp khi học sinh quay lại trường, dự tính nếu muộn nhất là 15-6 thì vẫn đủ thời gian để hoàn thành chương trình năm học.
Sau khi kết thúc năm học, học sinh cuối cấp còn gần một tháng để ôn tập trước khi thi THPT quốc gia, tương ứng với thời gian học sinh được ôn tập năm 2019. Như vậy đủ điều kiện để học sinh chuẩn bị cho kỳ thi.
* Trường hợp kỳ thi THPT quốc gia diễn ra như dự kiến thì phương thức thi có điều chỉnh để phù hợp với tình hình khó khăn năm nay không?
- Phương thức thi cơ bản giữ ổn định như năm 2019, đồng thời điều chỉnh phù hợp với tình hình đặc biệt của năm học này. Hiện nay, chương trình học kỳ II của lớp 12 đã được điều chỉnh, tinh giản. Nội dung nằm trong phần tinh giản sẽ không có trong đề thi. Cũng vì thế, đề thi tham khảo năm 2020 vừa công bố đã có những điều chỉnh so với năm 2019. Bộ GD-ĐT cũng sẽ tính toán để có biện pháp giảm nhẹ thêm yêu cầu đối với học sinh.
* Nếu 15-6 học sinh chưa trở lại trường, dịch bệnh không cho phép tổ chức các kỳ thi tập trung đông học sinh thì Bộ GD-ĐT có tính toán phương án bỏ kỳ thi THPT quốc gia không? Trường hợp này căn cứ để xét tốt nghiệp THPT sẽ như thế nào?
- Nếu đã cố gắng nhưng không đảm bảo để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như dự kiến vì lý do bất khả kháng, Bộ GD-ĐT đang tính toán một kịch bản cho việc không tổ chức kỳ thi, thay vào đó giao cho các địa phương thực hiện việc xét tốt nghiệp THPT.
Nhưng nếu việc này xảy ra, Bộ GD-ĐT phải xin ý kiến Chính phủ và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép. Vì việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đã được quy định trong Luật giáo dục.
Khắc phục khó khăn dạy học trực tuyến
* Học sinh trở lại trường muộn nhất là 15-6 sẽ chỉ còn một tháng để kết thúc năm học và khoảng hai tháng để chuẩn bị thi THPT quốc gia. Các trường sẽ phải làm những gì trong khoảng thời gian ít ỏi này để bù đắp cho những việc không thể thực hiện từ xa?
- Các trường phải đánh giá được hiệu quả của dạy học qua Internet, truyền hình. Từ đó trường xây dựng kế hoạch dạy bù nội dung còn thiếu, chưa tốt, rà soát để tổ chức ôn tập, bồi dưỡng thêm cho học sinh theo các nhóm đối tượng khác nhau; đảm bảo những học sinh chưa tiếp thu được bài học vững vàng trong thời gian học từ xa được củng cố kiến thức.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, những nơi đủ điều kiện sẽ có thể thực hiện kiểm tra thường xuyên đối với học sinh trong quá trình học qua Internet hoặc truyền hình. Còn khi trở lại trường, học sinh sẽ chỉ phải làm các bài kiểm tra định kỳ vào cuối năm học. Bộ GD-ĐT sẽ hướng dẫn cụ thể việc kiểm tra định kỳ, học kỳ sau khi học sinh quay lại trường học phù hợp với thời gian còn lại của năm học.
* Hiện nay, bên cạnh các trường thực hiện tốt, nhiều nơi vẫn gặp khó khăn khi học trực tuyến như chưa có mạng Internet, thiếu điện, sóng điện thoại cũng chập chờn. Nếu Bộ GD-ĐT xem dạy học qua Internet và truyền hình là giải pháp có thể thực hiện đủ nội dung chương trình sau khi đã tinh giản thì có công bằng với những vùng khó khăn?
- Tính tới thời điểm này có những trường, địa phương đã triển khai tốt việc này trong 2-3 tuần. Nhiều trường đã bắt đầu dạy bài mới qua Internet, trên truyền hình ngay từ khi Bộ GD-ĐT có hướng dẫn. Tuy nhiên, giai đoạn trước 15-4 có thể coi là đợt tập dượt cho học sinh ôn tập, luyện tập với đa số trường trước khi triển khai chính thức.
Qua đợt tập dượt các trường cũng bộc lộ những bất cập. Có những khó khăn Bộ GD-ĐT đã phối hợp với các bộ ngành liên quan và địa phương khắc phục. Nhưng cũng có những khó khăn đòi hỏi các trường, giáo viên và học sinh phải chia sẻ, nỗ lực để quyết tâm thực hiện được việc dạy học.
Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Thông tin - truyền thông trong việc tăng cường hỗ trợ hạ tầng công nghệ thông tin cho gần 40.000 trường học trên cả nước, chỉ còn khoảng 6.000 trường vùng khó khăn đang tiếp tục được đầu tư. Một số nơi chưa có mạng Internet, học sinh có thể vào mạng qua sóng 4G, 3G trên điện thoại. Một số địa phương đã huy động chính quyền địa phương, thôn, bản, Đoàn thanh niên, lực lượng tình nguyện để đưa bài, nhận bài giữa học sinh và giáo viên.
Hiện Bộ GD-ĐT cũng phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam (kênh VTV7) để phát sóng các chương trình dạy học qua truyền hình, bên cạnh các chương trình địa phương đã làm trên sóng đài truyền hình địa phương...
Thí sinh dự thi tuyển sinh lớp 10 năm 2019 tại TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Địa phương quyết phương án thi lớp 10
*Vậy còn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, Bộ GD-ĐT có chỉ đạo gì cho các sở GD-ĐT trong việc xây dựng phương án trong tình thế đặc biệt của năm nay?
- Theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, các địa phương quyết định phương án tuyển sinh theo một trong ba phương thức (xét tuyển, thi tuyển, kết hợp thi tuyển với xét tuyển).
Căn cứ hướng dẫn của bộ về tinh giản chương trình học kỳ II năm học 2019-2020, các địa phương sẽ lựa chọn phương án tuyển sinh phù hợp với tình hình hiện nay, đảm bảo công bằng, minh bạch, giảm áp lực cho học sinh.
Có thể tính toán để điều chỉnh số môn thi, nội dung đề thi, linh hoạt trong việc áp dụng các phương thức thi, xét tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển.
Nguồn tin : Tuoitre.vn